Cuộc họp do ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chủ trì cùng sự tham dự của đại diện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và các sở ngành, quận huyện liên quan.
Sơ đồ tuyến Vành đai 4 TP.HCM theo quy hoạch |
Quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1698 ngày 28.9.2011 dài 197,6 km, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; quy mô mặt cắt ngang 6 – 8 làn xe cao tốc có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.
Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi qua huyện Tân Thành; tỉnh Đồng Nai đi qua 3 huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; tỉnh Bình Dương đi qua 2 huyện Tân Uyên, Bến Cát; TP.HCM đi qua 2 huyện Củ Chi, Nhà Bè.
Ngày 29.9.2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP.HCM.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km. UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km. UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km và UBND TP.HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.
Còn lại, đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài khoảng 71 km do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Qua trao đổi, các địa phương cơ bản thống nhất triển khai đầu tư Vành đai 4 dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2028.
Phương án đầu tư chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch nhưng chỉ xây dựng 4 làn xe, tiêu chuẩn là đường cao tốc hạn chế để đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc đầu tư Vành đai 4 phải triển khai đồng bộ, hiệu quả, Sở GTVT các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Định kỳ hằng quý họp để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc nếu có.
Đường Vành đai 4 TP.HCM là một trong những dự án giao thông trọng điểm của khu vực phía nam với mục tiêu kết nối các địa phương trong khu vực. Dự án khi đi vào hoàn thiện sẽ có nhiệm vụ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ cảng giữa vùng tây nam – đông nam với các cảng Hiệp Phước, cảng Long Thành. Đồng thời, rút ngắn khoảng thời gian lưu thông từ thành phố đến các khu vực nội đô Bình Dương, cảng Cát Lái, sân bay Long Thành (Long An) và ngược lại.