TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3.
TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An (bốn địa phương) đã thống nhất đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù cho đường vành đai 3 và kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng. Trong đó, về nguồn vốn, các địa phương đề xuất trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khảo sát thực địa dự án đường Vành Đai 3 (19-5). |
Sử dụng vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương
Sở GTVT TP.HCM cho biết bốn địa phương kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương thực hiện dự án đường vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Bốn địa phương kiến nghị cho phép địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (17.146 tỉ đồng) đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ cho TP.HCM 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai 856 tỉ đồng, Bình Dương 4.266 tỉ đồng, Long An 1.397 tỉ đồng.
Các địa phương cũng đề xuất cho phép địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời điều chỉnh tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương (nguồn đấu giá quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác).
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An khẳng định HĐND các địa phương đã cam kết sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án.
Đối với việc thu hồi vốn đầu tư: Sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư dự án cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phần vốn góp đầu tư.
TP.HCM và các tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của dự án và sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Trong chuyến khảo sát dọc tuyến đường vành đai 3, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: “Khi khảo sát dọc tuyến vành đai 3 mới thấy được sự cấp thiết của của dự án. Mặc dù đoàn khảo sát đã có CSGT dẫn đường nhưng vẫn kẹt xe dọc tuyến, mất nhiều thời gian di chuyển. Do đó, việc khởi công tuyến vành đai 3 càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội để trình dự án, triển khai trong thời gian sớm nhất”.
Các địa phương đang rà soát quỹ đất làm đường vành đai 3
Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã sẵn sàng và quyết tâm làm tuyến đường vành đai 3. Hiện nay, HĐND và UBND tỉnh Long An đã thống nhất bố trí ngân sách thực hiện dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Theo đó, ngay từ bây giờ, tỉnh Long An đã sẵn sàng và chủ động phối hợp với TP.HCM và các địa phương để đầu tư tuyến đường vành đai 3 ngay sau khi Quốc hội thông qua. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ khởi công và hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.
Ông Trúc đánh giá tuyến vành đai 3 đi qua tỉnh Long An có quãng đường rất ngắn, song dự án này không chỉ phục vụ cho tỉnh Long An mà còn phục vụ cả các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bởi hàng hóa di chuyển qua các địa phương này là rất lớn. Đó là lý do khu vực này thường xuyên bị kẹt xe và đường vành đai 3 sẽ giải quyết các vấn nạn kẹt xe, người dân có thể đi về sân bay Long Thành, các tỉnh lân cận vô cùng thuận lợi. Trong quá trình các tỉnh thực hiện dự án, các địa phương đã trình chủ trương và xin các cơ chế đặc thù để thực hiện dự án này.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Một trong những giá trị mà dự án đường vành đai 3 mang lại đó là tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Quá trình nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM đã rà soát quỹ đất dọc hai bên tuyến đường đi qua. Theo kết quả rà soát sơ bộ, riêng quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công) khoảng 514 ha (chủ yếu là đất trống, đất nông nghiệp). Tính toán sơ bộ giá trị mang lại nếu khai thác bán đấu giá, với đơn giá tại thời điểm hiện nay, có thể thu về cho ngân sách TP khoảng 27.000 tỉ đồng (đã đảm bảo hơn 50% nguồn vốn ngân sách TP thực hiện dự án). Trong trường hợp bán đấu giá vào thời điểm đường vành đai 3 hoàn thành (dự kiến năm 2025-2026) thì số tiền thu được từ bán đấu giá sẽ còn tăng hơn nhiều.
Dự án đi qua các khu vực quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, các đầu mối giao thông lớn để phát huy hiệu quả đầu tư dự án, TP tiếp tục rà soát quy hoạch có liên quan dọc hai bên tuyến đường nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, giá trị tuyến đường mang lại. Từ đó phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), mở rộng không gian, diện tích đất dành cho công trình công cộng.
Đường vành đai 3, đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn (Bình Dương) đã hoàn thành và đang khai thác. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Hơn 75.000 tỉ đồng thực hiện dự án
Dự án đường vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) là 76,34 km, đi qua địa bàn bốn địa phương gồm: TP.HCM (47,51 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km).
Trong đó, điểm đầu nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Trung Lương (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Quy mô dự án được phân kỳ đầu tư bốn làn xe cao tốc với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m; sáu nút giao hoàn chỉnh và bốn chỗ ra, vào đường cao tốc giao cắt với đường hiện hữu và hai đường song hành hai bên. Dự án giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh, nhu cầu đất sử dụng cho dự án khoảng 643,7 ha. Trong đó, TP.HCM 408,81 ha, Đồng Nai 65 ha; Bình Dương 119,35 ha, Long An 49,54 ha.
Sơ bộ tổng vốn giai đoạn phân kỳ đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 38.741 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 36.637 tỉ đồng.
Vượt vốn, các địa phương sẽ tự cân đối
Tại cuộc họp với chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An khẳng định HĐND các địa phương đã cam kết sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện tuyến đường vành đai 3. Trường hợp vốn phát sinh tăng thêm ở những dự án thành phần, các địa phương cam kết tự bố trí vốn từ ngân sách địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết các địa phương Long An, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đều có nghị quyết của HĐND thông qua. Ở đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trường hợp có vượt nguồn vốn thì các địa phương sẽ tự cân đối nguồn vốn; phải có kế hoạch tiến độ vốn, đảm bảo giải ngân theo tiến độ… đây là vấn đề khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, bốn địa phương thấy rằng đây là dự án cấp thiết và đã thông qua HĐND nên việc bố trí vốn không còn là vấn đề. Đối với vấn đề cho phép các địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, TP.HCM đã có kinh nghiệm trong việc phát hành trái phiếu.
Ông Mãi khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm và chia sẻ với các địa phương trong khu vực dự án để có sự chuẩn bị trong việc phát hành trái phiếu. Quá trình này sẽ bám sát với các bộ, ngành, trung ương để hướng dẫn các địa phương trong việc phát hành trái phiếu. Như vậy, bốn địa phương tham gia dự án đường vành đai 3, tổng vốn khi có phát sinh, kế hoạch vốn… sẽ được tuân thủ.•